Facebook phản ứng chậm và chưa thực sự rõ ràng với làn sóng tẩy chay ngày một tăng cao. Còn với các thương hiệu tham gia phong trào, liệu hành động này có thực sự tạo thay đổi?
Giới lãnh đạo truyền thông thời gian qua lên tiếng ủng hộ việc công khai tẩy chay quảng cáo trên Facebook, đồng thời chỉ trích các mạng xã hội đã phản ứng chậm với sự thay đổi của làn sóng mới.
Hơn 100 thương hiệu, doanh nghiệp, trong đó những tên tuổi lớn như The North Face, Coca-Cola, Unilever, Ford, Adidas, Microsoft, Patagonia và Starbucks đã tạm dừng chi tiền quảng cáo trên Facebook sau khi gia nhập chiến dịch #StopHateforProfit tại Mỹ.
“Thương hiệu nào còn chi tiền quảng cáo sẽ bị dư luận đặt câu hỏi”
Các tổ chức dân quyền hậu thuẫn phong trào chỉ trích Facebook “liên tục thất bại trong việc giải quyết triệt để sự gia tăng thù hận và phân biệt trên nền tảng của mình”.
Ngày 26/6, #StopHateforProfit khiến giá cổ phiếu của Facebook giảm 8%, giảm tiếp 3% hôm 1/7.
Dù vậy, theo CNN, trong số các công ty tẩy chay cho đến nay, chỉ có 3 nhãn hàng có tên trong 100 thương hiệu sử dụng quảng cáo Facebook nhiều nhất là Unilever, Verizon và REI.
Trên thực tế, 100 thương hiệu này chi khoảng 4,2 tỷ USD quảng cáo trên Facebook và chỉ chiếm 6% doanh thu hàng năm của mạng xã hội này.
Vậy, làn sóng tẩy chay thực sự có tạo nên thay đổi hay chỉ là cơ hội cắt giảm chi tiêu quảng cáo khi thế giới đang rơi vào suy thoái?
“Việc các thương hiệu lớn tẩy chay một mạng xã hội truyền thông nổi tiếng với quy mô lớn như thế là điều chưa từng thấy. Dù vậy, đây cũng không phải điều bất ngờ, đặc biệt trong bối cảnh người tiêu dùng dần quan tâm đến sự minh bạch trong vấn đề tài chính của các công ty”, Kinda Jackson, Giám đốc điều hành Digital & Influencer, Brands2Life cho biết.
Bà Jackson cho rằng ngày nay, khách hàng lựa chọn sản phẩm dựa trên những giá trị xã hội của công ty. Ảnh: PR Week. |
“Người dùng, dù cá nhân hay tập thể, đang ngày càng có tiếng nói hơn. Các tổ chức vì thế cũng cần hoàn thiện mình để đáp ứng nhu cầu này”, bà nói.
Bà Jackson cũng cho rằng trong bối cảnh ngày nay, khi khách hàng lựa chọn sản phẩm dựa trên hoạt động môi trường và xã hội của thương hiệu đó, công ty càng có trách nhiệm tạo ra những thay đổi tích cực.
Phong trào gửi đi thông điệp mạnh mẽ, không chỉ riêng Facebook. Khách hàng không thể không nghi ngờ các quảng cáo trên mạng xã hội, có lẽ cũng do sự hoài nghi trước các thuật toán đang ngày càng gia tăng.
“Facebook không phải chỉ đứng lên giải quyết ngôn từ thù địch và nhiều vấn đề khác chỉ khi người dùng yêu cầu. Những thương hiệu nào vẫn chi tiền cho quảng cáo Facebook trong suốt tháng 7 và sau đó nữa chắc chắn sẽ bị dư luận đặt câu hỏi”, bà Jackson nhận định.
“Nếu đạo đức có thể tiêu xài, Facebook sẽ phá sản”
Theo Ian Hood, Giám đốc điều hành kiêm sáng lập Babel PRHood, quyết định của các công ty đa quốc gia là do hội đồng quản trị quyết định. Trách nhiệm này không chỉ mang sức nặng về mặt pháp lý, nó còn là sức nặng trên khía cạnh đạo đức và tài chính.
“Những gì chúng ta đang thấy là sự tổng hợp của những yếu tố kể trên. Khó lòng biết được quyết định của những người đứng đầu thực sự xuất phát từ động cơ gì, trừ người thân cận của họ như bạn bè, gia đình”, ông Hood cho biết.
“Chắc chắn có một số người chỉ giả vờ quan tâm, nhưng tôi tin rằng phần lớn thực sự chán ghét Facebook không thể giải quyết vấn đề ngôn từ thù địch trên nền tảng của mình”.
“Tôi không quan tâm lý do của họ. Có thể do họ cảm thấy mình cần có trách nhiệm đạo đức, có thể vì nếu không hành động thì thương hiệu có nguy cơ mang tiếng xấu hay họ thực sự muốn chung tay vì một thế giới tốt đẹp hơn”, Giám đốc Babel PR chia sẻ.
Ông Ian Hood cho rằng Facebook sẽ phá sản nếu đạo đức là loại tiền có thể chi tiêu. Ảnh: PR Week. |
“Nhắm mắt làm ngơ có thể đem lại lợi ích tài chính ngắn hạn cho các công ty, nhưng người tiêu dùng muốn các thương hiệu có quan điểm tương đồng với mình. Sẽ là thảm họa với nhãn hàng nào đánh mất niềm tin của khách hàng. Facebook là công ty đầu tiên tôi sẽ từ chối hợp tác”, Ian Hood nói .
Ông cho rằng công ty này chỉ hành động vì lợi ích của mình hơn là khách hàng. Facebook làm lơ trước dư luận và ý kiến của chính nhân viên công ty, chỉ phản ứng lại khi lợi nhuận của mình bị đe dọa, nhất là lúc các công ty như Unilever tham gia chiến dịch.
“Nếu đạo đức có thể tiêu xài, Facebook sẽ phá sản”, ông Hood châm biếm.
Người đứng đầu truyền thông và quan hệ công chúng của hãng quảng cáo YOU Amit Chakravarty ủng hộ việc các thương hiệu tỏ rõ lập trường.
“Dù không mấy ngạc nhiên khi họ tham gia chiến dịch tẩy chay. Theo dòng sự kiện diễn ra trong những tháng gần đây, không thương hiệu nào, dù lớn hay nhỏ, có thể thờ ơ trước những thay đổi đang diễn ra”, Amit nói.
“Sự trung thực, tính chính danh ngày càng được đề cao. Sức mạnh của người tiêu dùng gia tăng, họ kỳ vọng các thương hiệu sẽ có những nguyên tắc đạo đức tương ứng”.
Chakravarty cũng cho rằng người dùng muốn các công ty phải có hành động tức thời, tương xứng với giá trị công ty theo đuổi. Nếu không, tác động tiêu cực sẽ còn tệ hơn việc cổ phiếu giảm.
“Facebook phản ứng rất chậm chạp, gây mất lòng tin quá lớn. Nếu không có gì để che giấu, sao phải mất quá nhiều thời gian để nói về vấn đề một cách cởi mở?”, Chakravarty đặt câu hỏi.
“Facebook không hề quan tâm khách hàng”
“Facebook đang giải quyết các vấn đề của mình bằng những cách rất rắc rối và sai lầm. Chiến dịch tẩy chay gần đây là một ví dụ cho việc công ty này không quan tâm đến khách hàng của mình”, Joey Ng, Giám đốc hãng quảng cáo Grayling nhận định.
Bà Joey Ng cho rằng người dùng sẽ không ngại mở hầu bao cho các thương hiệu mang giá trị và niềm tin tương đồng với họ. Khi chính các nhãn hàng đóng “ví” của họ, tác động sẽ còn lớn hơn nhiều. Chẳng có gì là ngẫu nhiên khi Mark Zuckerberg tuyên bố giải quyết vấn đề một cách căn cơ ngay sau khi Unilever tham gia chiến dịch và ngừng chi tiền quảng cáo Facebook đến hết năm nay.
“Nếu bạn nhìn vào những cái tên đứng đầu chiến dịch này, Patagonia, Ben & Jerry, REI và Unilever là những công ty đã đứng về phía khách hàng từ trước. Mọi người cần hành động, không chỉ vì sự chú ý nhận được sau này mà vì đây là việc nên làm”, Joey Ng nói thêm.
Giám đốc điều hành Pagefield cho rằng sẽ là sai lầm khủng khiếp nếu Facebook không thể giải quyết những rác rưởi trên nền tảng của mình. Ảnh: PR Week. |
Oliver Foster, Giám đốc điều hành Pagefield cho biết bản thân rất vui khi các thương hiệu lớn quyết định tạm thời không quảng cáo trên Facebook nữa.
“Tôi là một người theo chủ nghĩa tự do và dù tự do ngôn luận rất quan trọng trong xã hội dân chủ, việc gì cũng nên có giới hạn của nó”, ông nói.
“Các mạng xã hội đã trì hoãn việc giải quyết tin giả, vấn đề lạm dụng hay phân biệt chủng tộc quá lâu. Chiến dịch Black Lives Matter là giọt nước tràn ly và cứ mỗi giờ trôi qua, lại có một thương hiệu mới tuyên bố dừng quảng cáo”.
Đối với ông, nếu một công ty truyền thông không thể, hoặc không sẵn lòng giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc hay bất kỳ hình thức lạm dụng nào khác, đây sẽ là sai lầm khủng khiếp.